Nỗ lực thúc đẩy thanh toán điện tử ở đô thị

Vân Oanh

(TBVTSG) – Do tỷ lệ thanh toán điện tử còn thấp (95% các giao dịch là dùng tiền mặt), trong thời gian gần đây các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh việc thanh toán điện tử tại Việt Nam. Các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ do đẩy mạnh thanh toán điện tử đem lại cho họ cơ hội kinh doanh rất lớn bởi thị trường còn nhiều tiềm năng.

Giữa tháng 9 vừa qua, Grab Việt Nam đã công bố sự hợp tác với ví điện tử Moca của Việt Nam nhưng không tiết lộ chi tiết tài chính của thương vụ hợp tác này. Theo đó Grab Việt Nam sẽ tích hợp ví điện tử Moca vào ứng dụng Grab, cho phép khách hàng thanh toán các dịch vụ như gọi xe, giao hàng, giao thức ăn.

Ví điện tử trỗi dậy

Bà Tan Hooi Ling, một trong hai thành viên sáng lập Grab, cho biết khi hợp tác với ví điện tử Moca, Grab muốn phát triển thành siêu ứng dụng, giúp đáp ứng nhiều nhu cầu của người tiêu dùng từ việc đi lại, ăn uống, giao – nhận hàng hóa cho đến thanh toán điện tử. Grab cho biết sẽ phát triển thêm nhiều hơn nữa các điểm chấp nhận thanh toán ví điện tử Moca ở Việt Nam nhằm giúp mọi người ra đường không cần mang theo tiền mặt vì chiếc điện thoại thông minh sẽ đáp ứng đủ các nhu cầu, thanh toán điện tử ở khắp mọi nơi.

Trước mắt, người tiêu dùng mới chỉ sử dụng ví điện tử Moca để thanh toán các dịch vụ của Grab cung cấp. Theo các chuyên gia, với cách làm này của Grab cũng như việc hãng dồn lực cho phát triển nhanh chóng hệ sinh thái các đối tác, chỉ trong một khoảng thời gian nữa xu hướng thanh toán bằng ví điện tử Moca trên Grab sẽ phổ biến tại Việt Nam.

MoMo được cho là một trong những dịch vụ ví điện tử có độ phủ rộng và thu hút nhiều người sử dụng nhất hiện nay. Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị MoMo, cho biết MoMo đã có sự phát triển đột phá trong hai năm qua với lượng giao dịch hàng năm hơn 200 triệu lượt giao dịch, tổng giá trị thanh toán chạm mức 27.000 tỉ đồng. Ví điện tử này hiện có hơn 8 triệu khách hàng và là đối tác của hầu hết các ngân hàng.

Ông Diệp cho biết MoMo đã trải qua giai đoạn rất vất vả thời gian đầu (2009-2013) khi tìm cách hợp tác với các ngân hàng, như xây dựng gói sản phẩm khác với thứ ngân hàng đang có để tăng sự trải nghiệm của khách hàng đồng thời rút ngắn thời gian và các bước thực hiện giao dịch chỉ với một lần chạm. Bên cạnh đó, MoMo cũng kết nối để thanh toán trực tuyến toàn bộ các dịch vụ cần thiết, như tiền điện, nước, viễn thông, Internet, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, thương mại điện tử, giao thông vận tải, giải trí, du lịch, ăn uống, đi chợ, chuyển tiền trong nước và chi hộ kiều hối. Hiện có hơn 20.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng ví MoMo trên cả nước, trong đó có các tên tuổi lớn như Co.opmart, Lotte Mart, Circle K, The Coffee House, Al Fresco, Guardian… Việt Nam hiện có 24 dịch vụ ví điện tử được cấp giấy phép hoạt động. Và thực tế cho thấy càng có nhiều ứng dụng hữu ích và thiết thực cho người tiêu dùng được đưa vào sử dụng thì càng gia tăng sức mua và bán, giao dịch qua môi trường kết nối Internet. Các phương thức thanh toán điện tử nhờ đó càng trở nên phổ biến.

Nói về tỷ lệ 95% lượng giao dịch hiện là bằng tiền mặt, ông Diệp cho đây vừa là sự thách thức vừa là cơ hội cho những bên có tham gia vào thị trường thanh toán điện tử. Các chuyên gia cũng nhận định thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Lời nhận định nói trên cũng khớp với sự kiện tập đoàn Vingroup đã góp vốn chi phối thành lập Công ty cổ phần VinID trong tháng 7 vừa qua, chuẩn bị tham gia cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. VinID có vốn điều lệ là 3.000 tỉ đồng, trong đó Vingroup góp vốn 2.400 tỉ đồng.

Công ty này được đăng ký kinh doanh với nhiều ngành nghề khác nhau nhưng mảng hoạt động chính là trung gian thanh toán.

Samsung, Napas đẩy mạnh mảng thanh toán điện tử

Samsung – một tập đoàn điện tử lớn của Hàn Quốc với quy mô hoạt động toàn cầu, trong đó có Việt Nam – cũng đã tham gia cung cấp giải pháp thanh toán điện tử từ cuối năm ngoái 2017 và hoạt động này ngày càng được đẩy mạnh trong thời gian gần đây.

Vào tháng 9 năm ngoái, Samsung đã hợp tác với các ngân hàng và đơn vị kết nối thanh toán để cung cấp giải pháp Samsung Pay – giải pháp thanh toán sử dụng phần mềm thanh toán được cài đặt sẵn trên điện thoại Samsung. Chỉ trong vòng nửa năm ở Việt Nam, Samsung Pay đã có 400.000 người sử dụng và tổng giá trị giao dịch đạt 350 tỉ đồng. Các tính năng mới cũng được đưa vào Samsung Pay như một cách thúc đẩy việc dùng ứng dụng này, như kết nối điện thoại với đồng hồ thông minh Gear S3 của Samsung để thanh toán. Các chủ thẻ ATM của Ngân hàng Shinhan được rút tiền bằng Samsung Pay tại các máy ATM. Thêm vào đó, với tính năng thêm và quản lý thẻ thành viên của Samsung Pay, khách hàng không cần phải nhiều loại thẻ thành viên, thẻ tích điểm, thẻ ưu đãi… mà chỉ cần nhập các thông tin lên Samsung Pay. Ứng dụng cho phép khách hàng tích điểm ngay trên điện thoại vào thẻ thành viên đã được đăng ký. Được biết, với việc cung cấp giải pháp thanh toán này, Samsung đặt mục tiêu đến năm 2020, cứ ba người Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh sẽ có một người dùng ứng dụng thanh toán di động Samsung Pay.

Không chỉ hợp tác để kết nối thanh toán điện tử với các đơn vị cung cấp giải pháp, dịch vụ thanh toán điện tử, trong thời gian gần đây Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) còn phối hợp với các doanh nghiệp đưa ra các chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích người dân thanh toán điện tử khi mua hàng.

Trong tháng 9 vừa qua, Napas cũng đã phối hợp với Vietnam Airlines và 34 ngân hàng thương mại tại Việt Nam triển khai chương trình tặng 10.000 mã giảm giá 15% cho khách hàng mua vé máy bay qua trang web www.vietnamairlines.com. Chương trình được áp dụng đồng loạt cho các hành trình trong nước, từ Việt Nam đi các quốc gia Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu và Úc. Và Napas còn có nhiều chương trình hợp tác với nhiều đơn vị để liên tục đưa ra các chương trình khuyến khích thanh toán thẻ, như chủ thẻ HDBank thanh toán thẻ được hoàn tiền vào tài khoản, phối hợp với BHD tặng vé xem phim cho khách thanh toán thẻ khi mua vé thanh toán điện tử tại hệ thống rạp này…

Chính phủ cũng vào cuộc

Thành phố Hà Nội từ đầu năm nay đã triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2018-2020. Bản kế hoạch này đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2020 toàn bộ các siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại tại Hà Nội có thiết bị chấp nhận thẻ hoặc các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác; 85% số đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% cá nhân, hộ gia đình sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.

UBND Thành phố Hà Nội đã giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong việc chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ phối hợp với các Ngân hàng thương mại triển khai hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng.

Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử như ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thẻ thanh toán không tiếp xúc và chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, thanh toán không tiếp xúc trên di động, thanh toán trường gần (NFC) trên di động, thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ đám mây, thanh toán số và thương mại dựa trên thiết bị điện tử.

Ở tầm trung ương, nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử ở mảng dịch vụ công, Chính phủ đã phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công từ tháng hai vừa qua.

Tại cuộc hội thảo về nội dung này được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết đề án nói trên đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt các con số sau: 80% lượng giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh thực hiện qua ngân hàng; 70% số tiền điện ở các địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thanh toán qua ngân hàng; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng; 80% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng; 50% số bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng và 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.

Cũng tại cuộc hội thảo nói trên, ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, cho biết hiện có 50 ngân hàng có thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với cơ quan Thuế, Hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. Có 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc. Có 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh thành phố và 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học. Ngoài ra, có sáu ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy và năm ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội.

Những điểm hạn chế cần khắc phục

Song ông Phạm Tiến Dũng cũng thừa nhận: “Giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm. Khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế”.

Theo ông Dũng, sở dĩ có những điểm hạn chế kể trên do cơ chế chính sách và hạ tầng cung ứng dịch vụ thanh toán của ngân hàng chưa phù hợp và bảo đảm. Mạng lưới ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán phân bố chưa đồng đều. Hạ tầng công nghệ thông tin, thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa tốt. Sự tương thích về mặt kỹ thuật giữa ngân hàng, trung gian thanh toán với đơn vị cung ứng dịch vụ công như chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khách quan khác, như sự thuận tiện của tiền mặt và thói quen của người dân, tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng. Trong một số trường hợp, ngân hàng không thu được phí dịch vụ thanh toán nên chưa có nhiều động lực để triển khai, phát triển sản phẩm dịch vụ thanh toán; đồng thời một số trường hợp khách hàng còn phải trả phí khi thanh toán qua ngân hàng cũng là rào cản khiến khách hàng ưu tiên sử dụng thanh toán bằng tiền mặt.

Để khắc phục những tồn tại và thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công, ông Phạm Tiến Dũng kiến nghị phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán. Triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công. Đồng thời mở rộng hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán; đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng. Tăng cường sự chỉ đạo của các Bộ, ban ngành và Ủy ban nhân dân trong việc triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục tài chính.

Nguồn: thesaigontimes.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.